Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

6 ĐIỀU TỐI KỴ KHI VIẾT HỒ SƠ TÌM VIỆC


Trong biển người tìm việc hiện nay, rõ ràng để được nhà tuyển dụng chú ý, bạn cần tạo được một hồ sơ tìm việc thật khác biệt và ấn tượng. Thế nhưng, bạn thường chỉ chú trọng đến một số yếu tố chính làm hồ sơ nổi bật  mà quên đi những “sát thủ” thầm lặng khiến hồ sơ của bạn bị rơi vào quên lãng.
Đừng để nhà tuyển dụng chỉ cần lướt nhanh qua hồ sơ của bạn và nhấn nút “xóa” vì bạn viết sai chính tả hay có một địa chỉ email ngớ ngẩn. Hãy kiểm tra lại hồ sơ của mình để chắc chắn rằng hồ sơ của bạn không mắc phải 6 lỗi sau đây!
Lỗi 1: Viết mục tiêu nghề nghiệp không ấn tượng
Mục tiêu nghề nghiệp xuất hiện ở phần đầu của hồ sơ tìm việc, là mục đầu tiên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Mục tiêu nghề nghiệp mang nặng sứ mệnh tiếp thị và giới thiệu bạn thật ấn tượng đến nhà tuyển dụng. Đó không chỉ là mục tiêu nghề nghiệp của bạn mà còn là điều mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Vì vậy, bạn nên nghiên cứu thật kỹ bản Mô tả công việc để biết nhà tuyển dụng cần gì và viết mục tiêu nghề nghiệp phù hợp nhất. Ví dụ:
Mục tiêu nghề nghiệp: Một vị trí cấp cao trong lĩnh vực quản lý nhân sự mang đến nhiều cơ hội và thách thức, cho phép tôi phát huy tối đa kiến thức và kinh nghiệm của mình trong ngành tư vấn và tuyển dụng nhân sự.
Lỗi 2: Sai ngữ pháp và mắc lỗi chính tả
Hồ sơ tìm việc giúp bạn tạo ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng. Chỉ cần một lỗi đánh máy cũng có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn là người bất cẩn. Vì vậy, không chỉ kiểm tra bằng chế độ “spelling and grammar” của MS Word, bạn nên nhờ người quen đọc lại hồ sơ để chắc rằng bạn không mắc bất kỳ lỗi chính tả hay ngữ pháp nào.
Lỗi 3: Sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất
Trong hồ sơ tìm việc, bạn đừng sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “Tôi”. Thay vì viết “Tôi theo dõi, giám sát và thực hiện công việc thư ký hành chính”, bạn hãy viết là “Theo dõi, giám sát và thực hiện công việc thư ký hành chính.” Bạn chỉ sử dụng đại từ nhân xưng trong phần “Mục tiêu nghề nghiệp” và Thư tìm việc mà thôi.
Lỗi 4: Không sử dụng động từ
Bạn nên tránh những cụm từ như “Chịu trách nhiệm làm hợp đồng…” Bạn cần sử dụng động từ để mô tả bạn đã hoàn thành công việc như thế nào. Vì thế, bạn hãy viết “Theo dõi, quản lý và sắp xếp các hợp đồng, văn bản và tất cả hồ sơ liên quan đến quy định pháp luật...”
Lỗi 5: Chú trọng mô tả trách nhiệm công việc mà bỏ qua thành tích đạt được
Người tìm việc thường mô tả quá chi tiết các công việc đã làm. Thế nhưng, nhà tuyển dụng còn muốn biết bạn đã đạt được thành tích gì trong công việc trước đây. Vì vậy, hãy tránh trình bày trách nhiệm công việc theo kiểu chung chung như “Cập nhật thông tin của các phòng ban”. Bạn cần trình bày thành tích đã đạt được để hồ sơ của bạn nghe thuyết phục và nêu bật được khả năng của bạn: “Theo dõi, quản lý và sắp xếp các thông tin lưu trữ cách đây 10 năm một cách hệ thống, giúp các phòng ban tham khảo nhanh chóng và dễ dàng.”
Lỗi 6: Cung cấp thông tin liên lạc không chính xác
Hồ sơ của bạn tạo ấn tượng rất tốt và nhà tuyển dụng quyết định mời bạn dự phỏng vấn. Tuy nhiên, thông tin liên lạc của bạn lại không đúng. Hoặc bạn lại đề một địa chỉ email nghe không nghiêm túc chút nào như bupbe264@email.com. Tất cả những lỗi không đáng này sẽ lấy đi cơ hội có được việc làm mơ ước của bạn. Vì vậy, bạn cần nêu thông tin liên lạc thật chính xác và rõ ràng để nhà tuyển dụng có thể liên lạc dễ dàng với bạn.

www.vietnamworks.com

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

BỐN NGUYÊN TẮC KHI ĐÀM PHÁN LƯƠNG BỔNG


Nghệ thuật nói về mức dao động lương bổngHãy cẩn thận khi bạn đàm phán mức dao động lương mong muốn với nhà tuyển dụng. Ví dụ, nếu bạn mong muốn mức lương của mình ít nhất là 400 USD và nhiều nhất là 500 USD, bạn sẽ đưa ra mức lương dao động như thế nào? Nhiều ứng viên chưa có kinh nghiệm thương lượng lương sẽ nêu ra mức dao động là 400 - 500 USD/tháng, và nhà tuyển dụng ngay lập tức (nếu họ “chấm” ứng viên này) đồng ý với mức lương cho ứng viên là 400 USD. Trong khi trên thực tế, ứng viên có thể hưởng mức tối đa là 500 USD.
Vì vậy, khi thương lượng lương bổng, bạn phải tự tin đề ra mức dao động hợp lý với mình nhất. Nếu bạn muốn mức lương xứng đáng nhất là X, bạn nên nói với nhà tuyển dụng rằng mức dao động lương mà bạn mong muốn là X – Y, nghĩa là bắt đầu từ mức cao nhất mà bạn mong muốn có được.
Nghệ thuật làm hài lòng nhà tuyển dụng 
Nếu bạn đã từng bán một chiếc ô tô hay một đồ vật tương tự, bạn có thể gặp tình huống như sau: Bạn ra giá chiếc xe 60.000 USD. Ai đó đến rồi đi. Một lát sau, anh ta quay lại và nói rằng sẽ mua nó với giá 60.000 USD. Bây giờ bạn cảm thấy tiếc vì bạn nghĩ rằng mình ra giá như thế là quá rẻ.
Nhưng nếu anh ta quay trở lại và nói chỉ lấy nó với giá 55.000 USD, bạn không đồng ý, và nói: Phải ít nhất 60.000 USD bạn mới bán. Cò cưa mãi rồi anh chàng cũng chấp nhận mức giá bạn đưa ra.
Như vậy trong cả hai trường hợp, bạn đều bán ô tô của mình với giá 60.000 USD. Nhưng trong trường hợp đầu, bạn cảm thấy mình bị hớ, còn trường hợp thứ hai bạn lại cảm thấy mình bán được giá. Trường hợp này cũng tương tự như khi bạn đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Bạn có thể nâng mức lương lên cao hơn mức nhà tuyển dụng có thể trả cho bạn (nhưng đừng nhiều quá nhé). Nếu nhà tuyển dụng đồng ý với mức này, thì còn gì bằng. Nếu không, bạn có thể hạ mức lương mong muốn xuống bằng với mức nhà tuyển dụng đưa ra. Khi đó nhà tuyển dụng sẽ rất hài lòng.
Hãy để công ty đề xuất về lương trước Trong vòng sơ tuyển, phòng nhân sự có thể yêu cầu bạn đưa ra một con số chính xác về mức lương mong muốn của bạn. Đừng trả lời ngay mà hãy yêu cầu thêm thời gian để suy nghĩ. Hoặc bạn có thể nói “Có lẽ trước khi bàn về lương bổng của tôi, tôi muốn biết một chút về mức lương của công ty dành cho vị trí này.”
Trong mọi trường hợp, đừng bao giờ đưa ra một con số cụ thể. Thay vào đó hãy nói: “Tôi muốn tìm hiểu thêm về công việc với Quý công ty trước khi quyết định mức lương phù hợp nhất với công việc này.” Đặc biệt, đừng đả động gì về lương cho đến khi cuộc phỏng vấn đã tiến xa và bạn biết khả năng thành công là rất cao.
Đừng tỏ ra quá khiêm tốn khi đưa ra mức lương mong muốn
Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn đưa ra mức lương mong muốn, bạn đừng đưa ra mức quá thấp. Như thế, họ có thể sẽ nghi ngờ năng lực làm việc của bạn. Hãy đưa ra mức lương tương đối khá sau khi đã chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp nhất với vị trí công việc đó.

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

BÍ QUYẾT THƯƠNG LƯỢNG MỨC LƯƠNG CAO


Khi người phỏng vấn đặt câu hỏi về lương bổng, bạn nên trả lời ra sao? Đừng vội vã nói ngay mức lương mà bạn mong muốn. Hãy khéo léo “hoãn” lại giây phút quan trọng này cho các buổi phỏng vấn sau. Chỉ cần nắm vững một số “bí kíp” và thêm một chút khéo léo, bạn sẽ dễ dàng thương lượng được mức lương mơ ước.
1. Có nên trả lời câu hỏi về lương bổng ngay ở vòng đầu cuộc phỏng vấn?
Bạn không nên, đặc biệt nếu đó là các vòng phỏng vấn đầu tiên và bạn chưa chắc mình được nhà tuyển dụng “chấm”. Nếu người phỏng vấn hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?”, bạn có thể trả lời một cách “vô thưởng vô phạt” như: “Qua vòng đầu phỏng vấn này, tôi nghĩ mình cần hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của công việc. Tôi xin phép được đề cập đến mức lương trong các buổi phỏng vấn sau.”
2. Đâu là mức lương thỏa đáng?
Nhiều ứng viên cho rằng họ xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn thu nhập hiện tại vì cho rằng kinh nghiệm và trình độ của họ đã được nâng cao, vì họ sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, vì tình hình vật giá ngày một leo thang... Tuy nhiên, nhà tuyển dụng thường xét lương cho ứng viên dựa theo mức lương hiện tại và trách nhiệm mới mà ứng viên sẽ đảm nhận sau này. Vì vậy bạn cần đánh giá khách quan năng lực của mình để đưa ra mức lương phù hợp.
3. Khả năng thực sự là nhân tố quyết định mức lương của bạn
Để có mức lương mong muốn, bạn cần chứng minh được giá trị và khả năng làm việc thực sự của mình. Bạn nên tránh đề cập đến mức lương cũ nếu nhà tuyển dụng không hỏi đến. Nhưng nếu nhà tuyển dụng muốn biết mức lương hiện tại, bạn hãy cho họ biết và trình bày sự khác biệt giữa công việc cũ và công việc ứng tuyển, nhấn mạnh những nhiệm vụ mới mà bạn sẽ đảm trách.
Đừng bao giờ giải thích vì sao bạn muốn lương cao hơn mức hiện tại bằng những lý do trẻ con như “Công ty tôi trước đây ở Bình Dương, chi phí sinh hoạt khá thấp. Nay Quý công ty tọa lạc ở khu vực trung tâm nên chi phí sẽ đắt đỏ hơn…”
4. Trực tiếp hỏi về mặt bằng lương trong công ty
Xin chúc mừng, bạn đã vào được vòng phỏng vấn cuối cùng và giây phút quan trọng đã đến rồi đây. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?” Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?
Bạn có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng “Ông/Bà có thể cho biết mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương?” hoặc “Ông/Bà có thể cho biết ngân sách của công ty dành cho vị trí này?” Câu trả lời của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn định được mức lương phù hợp.
5. Khéo léo trao đổi về lương bổng
Bạn nên tránh những câu trả lời như “Đối với tôi, lương bổng không phải là vấn đề quan trọng nhất, tôi mong muốn được học hỏi và rèn luyện trong một môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp như Quý công ty…” Đây quả là câu trả lời làm “mát lòng mát dạ” nhà tuyển dụng. Nhưng cẩn thận đấy, nhà tuyển dụng có thể sẽ nghĩ rằng bạn thiếu kinh nghiệm, nên có cơ hội gì đến là nhận ngay mà không cần cân nhắc mức lương. Khi đó bạn sẽ mất cơ hội thương lượng được mức lương mong muốn.
6. Cân nhắc vấn đề “lương + bổng”
Người Việt Nam rất chính xác khi dùng cụm từ “lương bổng”. Nghĩa là ngoài “lương” (salary), bạn còn được hưởng “bổng” (benefit). Bổng là các lợi ích khác ngoài lương chính thức mà bạn được hưởng từ công ty và không phải chịu thuế. Vì vậy khi thương lượng lương, bạn nên lưu ý các ”bổng” khác ngoài lương như lương tháng 13, tiền thưởng (bonus) hàng năm, chi phí giải trí, chi phí khám bệnh, cơ hội đào tạo, được chia cổ phần của công ty… Nếu bạn được tuyển vào công ty, hãy yêu cầu nhà tuyển dụng nêu rõ và cụ thể những nội dung này trong thư mời làm việc (offer letter).
Ngoài ra, hãy nhớ rằng lương ròng (net salary) sẽ là mức lương sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…
7. Làm gì khi bạn rất thích công việc nhưng mức lương không như mong đợi?
Trong trường hợp bạn rất thích công việc và được nhà tuyển dụng mời làm việc, nhưng mức lương không như bạn mong đợi, đừng vội từ chối ngay mà hãy trả lời rằng bạn cần suy nghĩ thêm. Điều đó cho thấy bạn rất quan tâm đến công việc. Vài ngày sau buổi phỏng vấn, bạn hãy gọi điện cho nhà tuyển dụng xem họ có quyết định nào khác về mức lương mà bạn mong muốn hay không. Khi đó, bạn có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Lê Hồng Anh

Sales Team Leader
VietnamWorks

Vấn đề tiền lương khi phỏng vấn !


Việc có được mức lương như bạn mong muốn quả thực không hề dễ dàng bởi nhà tuyển dụng có thừa "bí quyết" trong cách đàm phán, thuyết phục ứng viên. Vì thế, ứng viên cần cẩn thận từ cách lựa chọn ngôn ngữ, giữ thái độ bình tĩnh đến việc trình bày mong muốn cá nhân một cách mạch lạc.Sau đây là những mẹo nhỏ giúp bạn dễ ứng phó hơn với các câu hỏi liên quan đến vấn đề tiền bạc:
 
- Mức lương sẽ thương lượng sau
 
Diane Barowsky - một người làm việc trong lĩnh vực điều hành tuyển dụng cho rằng, ứng viên không nên đưa ra những thông tin về tiền lương ngay trong hồ sơ xin việc, kể cả mức lương quá khứ hay mong muốn hiện tại mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
 
"Khi bạn bỏ qua thông tin này, bạn lo lắng nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua hồ sơ của bạn. Nhưng thực ra, để trống lúc này là đúng bởi bạn chưa biết cụ thể phạm vi công việc, trách nhiệm của mình như thế nào". Để lấp vào những chỗ trống, hãy đưa ra đề nghị "thương lượng".
 
- Cẩn thận khi nhắc đến công việc và mức lương hiện tại
 
Với câu hỏi về công việc và mức lương hiện tại, nhà tuyển dụng muốn biết bạn có những kỹ năng phù hợp với vị trí họ đang cần hay không và liệu đưa ra mức lương bao nhiêu thì bạn sẽ chấp nhận. Ở vị trí nhà tuyển dụng, càng thương lượng mức lương thấp càng tốt. Tuy nhiên, việc so sánh với công việc, mức lương hiện tại để quyết định vấn đề ở công ty mới nhiều khi không đem lại lợi ích cho bạn. Mức lương hiện tại không phản ánh những gì bạn nên được hưởng ở vị trí đang ứng tuyển.
 
Theo Barowsky, ứng viên nên trả lời rằng: "Những gì tôi đang làm không quan trọng, điều quan trọng là tôi có đủ kỹ năng đáp ứng tốt công việc này không. Và tôi muốn nói rằng, tôi tự tin mình có đủ năng lực, kinh nghiệm để giải quyết tốt công việc được giao".
 
Barowsky phân tích thêm, nếu mức lương hiện tại của bạn đang ở mức thấp, câu trả lời trung thực sẽ chống lại bạn trong quá trình đàm phán lương. "Bạn thử hình dung xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận và được hưởng mức lương thấp hơn mức mà lẽ ra ứng viên có kỹ năng, kinh nghiệm đáng được hưởng? Bạn có thể được trả mức lương thấp hơn so với những người khác ở vị trí tương đương". Đó là lý do tại sao bạn nên cân nhắc khi trả lời câu hỏi về mức lương trong quá khứ.

- Đừng hấp tấp đưa ra mức lương cụ thể khi phỏng vấn
 
Khi nói chuyện với ứng viên, nhà tuyển dụng đã chuẩn bị sẵn một con số cụ thể về mức lương sẽ trao đổi. Barowsky cho rằng, "họ có những thông tin riêng mà bạn không hề biết và tự họ sẽ ấn định mức lương sẽ đàm phán với bạn. Nếu bạn vội vàng đồng ý, bạn dễ gặp sai lầm khi phát hiện ra mức lương đó thấp hơn những vị trí tương đương ở công ty và không tương xứng với những đóng góp của bạn". Bởi vậy, điều quan trọng là phải tìm ra phạm vi dao động trước khi bạn quyết định đưa ra mức lương mong muốn.
 
"Tốt nhất là nên tham khảo trước những vị trí tương đương và tìm hiểu mức lương họ được hưởng. Bất kỳ công việc nào, bạn cũng nên thương lượng mức lương cao hơn những gì bạn phải làm ít nhất là 10%-20%".
 
- Nghiên cứu kỹ về mức lương tương ứng
 
Để không bị "hớ" khi đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng, bạn nên nghiên cứu thật kỹ mức thu nhập của những người khác làm việc trong cùng lĩnh vực với bạn. Nếu không thể tìm hiểu qua người thân, bạn bè, hãy liên hệ với các tổ chức tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp và tham khảo kết quả những cuộc khảo sát hằng năm của họ.
 
Ngoài ra, bạn có thể tra cứu thông tin qua Internet để tìm hiểu những gì người khác đang làm và được hưởng trong ngành công nghiệp bạn dự định tham gia.
 
- Suy nghĩ kỹ trước khi quyết định
 
Nếu nhà tuyển dụng có nhu cầu liên hệ với công ty cũ để xác minh mức lương bạn từng được hưởng, bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định. Liệu bạn có muốn làm việc với những người không thực sự tin tưởng bạn, những người thường xuyên là mối đe dọa bạn...
 
Mức lương là vấn đề quan trọng, nhưng điều cần thiết không kém là bạn muốn được tôn trọng, được tin tưởng. Vì thế, khi nhà tuyển dụng có vẻ "lửng lơ" với bạn để tìm hiểu thêm thông tin, bạn nên cho họ hiểu rằng, làm việc cùng nhau cần có sự tin tưởng, cùng gắn bó, phát triển để xây dựng con đường sự nghiệp thành công, cũng như đem lại thành tích đáng kể cho công ty
Theo Tạp chí Công sở

6 khoảng ngoài lương mà ứng viên cần chú ý


Trong thời buổi nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng như hiện nay, thì rất khó để thương lượng được một mức lương lý tưởng. Tuy nhiên, phúc lợi đâu chỉ dừng ở lương…
Nhiều ứng viên cho rằng mức lương là quan trọng nhất và thường cảm thấy thất vọng nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương không như mong muốn. Trên thực tế, ngoài việc cân nhắc về các khoản như lương tháng 13, bảo hiểm…, ứng viên có thể khéo léo “tăng” mức lương đề nghị bằng việc thương lượng những phúc lợi đi kèm khác.

Dưới đây là 6 khoản ngoài lương mà các ứng viên cần chú ý đặt vấn đề với doanh nghiệp:
 
Phép năm
 
Ngoài số ngày phép theo quy định của pháp luật, một số doanh nghiệp có các chính sách khác về ngày phép cho nhân viên, chẳng hạn như nghỉ phép ngắn hạn không lương để tham gia khóa học tự túc, điều chỉnh giờ làm khi có con nhỏ… Với một số tổ chức nước ngoài, số ngày phép có thể được tăng thêm nếu cộng thêm các ngày lễ của nước sở tại mà công ty mẹ đặt trụ sở… Khoản phúc lợi về ngày phép thường chỉ dành cho các nhân viên đã gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm. Tuy nhiên, nếu bạn là ứng viên sáng giá và cam kết làm việc dài hạn cho công ty, đừng ngần ngại hỏi về vấn đề này, nhất là khi bạn có kế hoạch học tập nâng cao hoặc có con nhỏ…
 
Thời gian làm việc linh hoạt
 
Ngoài công việc, bạn còn cáng đáng trách nhiệm gia đình và xã hội. Để đảm bảo kết quả công việc đồng thời không để mình phải tất bật tới lui, bạn có thể hỏi về chính sách làm việc theo thời gian linh hoạt. Chế độ làm việc này đảm bảo bạn vẫn có mặt ở công ty 8 tiếng mỗi ngày, hoặc đến khi hoàn thành công việc, nhưng không gắt gao giờ giấc khi nào đến, khi nào đi. Tùy theo đặc thù của công việc mà bạn đề nghị với nhà tuyển dụng khoản này. Tuy nhiên, nếu bạn làm ở vị trí tiếp tân hoặc dịch vụ khách hàng thì công ty khó lòng chấp thuận cho bạn vì khung giờ đã định sẵn cho những vị trí này.
 
Phụ cấp điện thoại, xăng xe
 
Giá cả leo thang và bạn cần tính toán chi phí đầu tư cho công việc. Nếu làm trong lĩnh vực bán hàng, giao hàng, thường xuyên phải giao tiếp qua điện thoại và di chuyển bên ngoài, bạn nên hỏi rõ công ty xem có phụ cấp cho nhân viên về những khoản này hay không. Đừng ỷ y cho rằng “những khoản này hẳn nhiên phải có” bởi mỗi công ty có chính sách khác nhau. Nếu bạn không đặt vấn đề với nhà tuyển dụng khi thương lượng hợp đồng, có thể sau này bạn phải nói “biết vậy, lúc trước mình nên hỏi…”
 
Xe đưa đón
 
Có thể mức lương nhà tuyển dụng là vừa phải, nằm trong khoảng mong đợi của bạn. Tuy nhiên, nếu công ty ở xa, hoặc ở tỉnh lân cận, chi phí cho việc đi lại là cả một vấn đề. Một số công ty sẽ sắp xếp sẵn xe đưa rước nhân viên, nhưng các doanh nghiệp khác sẽ yêu cầu tự túc và trợ cấp một phần. Với các vị trí cấp cao, nếu bạn sử dụng xe hơi riêng, cần hỏi chế độ phụ cấp về xăng, phí đậu xe… Những khoản tưởng chừng nho nhỏ này lại không hề nhỏ chút nào.
 
Thưởng thành tích
 
Hiếm nhà tuyển dụng nào có thể đưa ra mức lương quá hấp dẫn trong thời buổi kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng có chế độ thưởng khuyến khích các nhân viên có thành tích nổi bật. Bạn cần tìm hiểu cơ chế thưởng, các yêu cầu và thông lệ. Nếu lương cơ bản không cao nhưng thưởng tốt, bạn cũng có thể cân nhắc công việc này.
 
Cơ hội trở thành cổ đông
 
Nhiều công ty có chế độ thưởng cho các nhân viên xuất sắc bằng cổ phiếu của công ty. Cách thức này không chỉ khuyến khích niềm tin và lòng trung thành của nhân viên, mà còn tưởng thưởng xứng đáng cho các đóng góp cho thành công của doanh nghiệp. Nếu ứng cử vào các vị trí cấp cao, bạn có thể lưu ý điều này.
 
Nếu trước đây lỡ bỏ qua các khoản phúc lợi này, bạn không cần phải đợi đến khi đổi việc rồi mới thương lượng lại. Bạn có thể đề xuất với công ty khi tái tục hợp đồng hoặc trong những trường hợp bất khả kháng, công ty gặp khó khăn và không thể lên lương cho bạn.
Dân Trí

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI - NÊN VÀ KHÔNG NÊN


Trong quy trình tuyển dụng, phỏng vấn qua điện thoại đã trở nên không quá xa lạ đối với nhà tuyển dụng lẫn ứng viên. Đây là bước giúp nhà tuyển dụng đánh giá sơ bộ và sàn lọc ứng viên cho vòng phỏng vấn trực tiếp. Nếu ghi điểm tốt, cơ hội vào vòng phỏng vấn trong là rất cao. Tuy nhiên, không phải ứng viên nào cũng ý thức được tầm quan trọng của phỏng vấn qua điện thoại để có sự chuẩn bị cần thiết.
Làm gì để không bất ngờ khi nhận điện thoại từ nhà tuyển dụng? Trả lời như thế nào để hồ sơ của bạn lọt tiếp vào vòng trong? Công thức 8+4 sau sẽ giúp bạn!

8 điều nên làm 
1. Thực tập phỏng vấn. Sự lưu loát và tự tin trước nhà tuyển dụng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đóng vai nhà tuyển dụng và đưa ra các câu hỏi và tình huống cụ thể cho bạn trả lời. Bạn nên nhờ họ nhận xét xem giọng bạn có run quá không, bạn nói thế nào, có đủ nghe hay quá to…
2. Cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác. Đây có thể xem là lần nói chuyện đầu tiên và chính thức của bạn với nhà tuyển dụng. Hãy tận dụng cơ hội này để cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin, cũng như trình bày thêm những gì mà hồ sơ tìm việc của bạn có thể chưa nói hết được.
3. Chủ động để xưng hô tự tin. Đừng để người phỏng vấn và chính bạn mơ hồ về tuổi tác và giới tính của nhau. Bạn hãy chủ động giới thiệu về mình và hỏi người phỏng vấn xem bạn nên xưng hô với họ thế nào.
4. Chọn không gian yên tĩnh. Đừng trả lời phỏng vấn ở những nơi quá ồn ào vì bạn sẽ không thể nghe hết những gì nhà tuyển dụng nói. Hãy chọn một nơi yên tĩnh và tiện lợi, chuẩn bị sẵn một chiếc ghế, bàn, một tờ giấy, một cây bút...
5. Đặt hồ sơ tìm việc trước mặt. Phỏng vấn qua điện thoại là cơ hội để bạn chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng bạn là người xứng đáng được phỏng vấn trực tiếp. Vì vậy hãy chuẩn bị cẩn thận. Nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi những câu hỏi để kiểm tra lại những gì bạn đã ghi trong hồ sơ tìm việc. Vì dụ như: "Tôi thấy trong hồ sơ bạn đã ghi rằng bạn có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực Marketing, vậy bạn có thể tóm tắt lại những gì đã làm trong thời gian đó?". Hồ sơ tìm việc đặt sẵn sẽ giúp bạn không rơi vào tình cảnh bối rối vì không nhớ hết những việc mình đã làm. Nhìn vào hồ sơ, tóm tắt sơ lược những công việc mình đã đảm nhiệm và đừng quên nhấn mạnh vào những thành tích nổi bật bạn đã đạt được. Lưu ý rằng, những kinh nghiệm hay thành tích này phải phù hợp với yêu cầu của công việc bạn đang phỏng vấn. 
6. Nói rõ ràng. Hãy đảm bảo rằng bạn trả lời phỏng vấn một cách rõ ràng, và bạn cũng nghe rõ những điều người phỏng vấn nói.
7. Đứng khi trả lời phỏng vấn. Theo các chuyên gia thì ở tư thế đứng bạn sẽ trả lời một cách dễ dàng hơn. Nhưng nếu cuộc nói chuyện kéo dài, bạn có thể ngồi một chút rồi lại đứng dậy.
8. Kết thúc buổi phỏng vấn ấn tượng. Cũng giống như phỏng vấn trực tiếp, hãy tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ở bên kia đầu dây bằng những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị. Và cũng đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng bạn nhé!
4 điều không nên làm
1. Nói không ngớt. Nếu bạn đã trả lời xong câu hỏi của mình mà người phỏng vấn không hỏi tiếp thì bạn cũng không nên huyên thuyên để “chữa cháy”. Có thể họ đang dành thời gian để bạn nói hết suy nghĩ của mình. Hoặc cũng có thể họ đang phân tích câu trả lời của bạn.
2. Hắt hơi hay ho. Nếu bạn không thể kiềm chế được thì nên xin lỗi người phỏng vấn trước, rồi để máy nghe xa ra.
3. Tỏ vẻ hoảng hốt. Đừng thể hiện như vậy khi người phỏng vấn hỏi bạn những điều bạn chưa chuẩn bị hoặc chưa kịp nghĩ ra. Trong trường hợp này, bạn hãy yêu cầu nhà tuyển dụng cho bạn vài phút suy nghĩ. Bạn biết không sự thiếu tự tin có thể thể hiện qua giọng nói và hơi thở của bạn đấy.
4. Ăn uống. Đây là điều đại kỵ trong khi tham gia phỏng vấn qua điện thoại. Nhai nhóp nhép khi nói chuyện điện thoại bình thường đã là kém lịch sự rồi, huống chi đây là buổi phỏng vấn. Tránh nhai cả kẹo cao su bạn nhé!

Theo vietnamworks.com

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Mười lỗi làm hỏng hồ sơ tìm việc của bạn

Trước một cuộc phỏng vấn, ấn tượng đầu tiên của công ty đối với bạn chắc chắn đến từ hồ sơ xin việc, đó là hai trang giấy mô tả toàn bộ quá trình học tập và kinh nghiệm làm việc của bạn. Đối với một không gian giới hạn như vậy, bạn cần làm đúng ngay từ đầu.
Sau đây là 10 lỗi phổ biến khi viết hồ sơ. Mặc dù việc tránh các lỗi này không có nghĩa là bạn sẽ nhận được công việc, nhưng nó giúp bạn đi đúng hướng.

Lỗi 1: Hồ sơ trông như một nhật ký công việc không hơn không kém
 
Dĩ nhiên cần phải cho nhà tuyển dụng biết kinh nghiệm làm việc trước đây của bạn. Nhưng thay vì chỉ liệt kê những trách nhiệm của các công việc trước, bạn hãy làm nổi bật những thành tích ấn tượng cùng với con số cụ thể minh họa. Chẳng hạn nói bạn đã giúp tăng 10% doanh thu sẽ gây ấn tượng đặc biệt hơn so với nói rằng bạn đã lãnh đạo đội ngũ kinh doanh.

 
Lỗi 2: Dùng đại từ xưng hô 
 
Hồ sơ của bạn không phải là thư từ, vì thế không nên dùng các đại từ nhân xưng hay sở hữu ở ngôi thứ nhất như “Tôi” hay “của tôi”. Hãy để các đại từ trong thư xin việc.

Lỗi 3: Đưa vào các thông tin cá nhân và không liên quan 
 
Bạn không có nhiều không gian trong hồ sơ, vì thế đừng để phí những khoảng trống quý giá đó cho những thông tin không liên quan tới vị trí bạn đang ứng tuyển.

Lỗi 4: Sử dụng từ bị động
 
Hồ sơ của bạn phải sử dụng các câu từ mạnh mẽ, rõ ràng và cách tốt nhất để đạt hiệu quả đó là sử dụng các động từ để mô tả thành tích. Các động từ như “Điều phối”, “Đạt được”, “Quản lý” hay “Thực hiện” sẽ làm hồ sơ của bạn thêm hấp dẫn.

Lỗi 5: Lặp lại từ ngữ
 
Dù việc dùng các động từ rất quan trọng, bạn đừng quên sử dụng nhiều động từ khác nhau. Đừng tập trung sử dụng một hai từ nào đó trong suốt hồ sơ. Cố gắng tìm từ thay thế tương đương và nhiều cách diễn đạt khác nhau cho cùng một ý.

Lỗi 6: Trình bày quá xấu hoặc quá khoa trương
 
Mặc dù nội dung là điều then chốt trong hồ sơ, việc trình bày nó thế nào cũng rất quan trọng. Sử dụng các định dạng thống nhất, như dùng một font chữ, kích cỡ hay cùng một kiểu gạch đầu dòng. Không nên dùng các định dạng quá màu mè hoặc quá sáng tạo với các loại font khác truyền thống hay đồ họa trừ phi vị trí ứng tuyển đòi hỏi cực kỳ sáng tạo. Hãy để hồ sơ của bạn rõ ràng, đơn giản và chuyên nghiệp.

Lỗi 7: Gửi hồ sơ mà không có thư xin việc đi kèm
 
Một trong những điều tệ nhất là gửi đi một hồ sơ tuyệt đẹp nhưng lại không có thư giới thiệu về mình đến nhà tuyển dụng. Hồ sơ và thư xin việc là một cặp không thể tách rời. Thư xin việc là một cách để bạn khéo léo quảng bá về kỹ năng kinh nghiệm của mình.

Lỗi 8: Gửi đi một hồ sơ chung chung hoặc đại trà
 
Mặc dù kinh nghiệm làm việc của bạn không thay đổi, nhưng hồ sơ thì cần được điều chỉnh theo lĩnh vực bạn dự tuyển. Ví dụ nếu bạn tìm một công việc về bán hàng, hồ sơ của bạn phải gồm các thông tin khác với các thông tin đưa vào hồ sơ cho một công việc quản lý. Hãy viết hồ sơ hướng đến mục tiêu bạn tìm kiếm và giúp người đọc dễ dàng nhận ra vì sao bạn là ứng viên phù hợp.

Lỗi 9: Lỗi đánh máy, chính tả hoặc ngữ pháp
 
Trước khi gửi hồ sơ, hãy đọc kỹ và kiểm tra nhiều lần. Rất nhiều nhà tuyển dụng đã không ngần ngại cho các hồ sơ mắc những lỗi này vào thùng rác.

Lỗi 10: Gửi hồ sơ tới một người không biết tên
 
Chắc chắn là bạn không muốn hồ sơ của mình bị ném vào thùng rác, vậy hãy tránh gửi cho:”Giám đốc nhân sự” hay “Gửi người có liên quan”. Hãy dành chút thời gian tìm hiểu tên người tuyển dụng bạn.

Theo vietnamworks.com